SỨ MẠNG LỊCH SỬ

BỘ CÔNG THƯƠNG
TRƯỜNG CAO ĐẲNG CÔNG NGHIỆP HƯNG YÊN
————————————————–

* Trụ sở chính:
– Địa điểm: Giai phạm – Yên Mỹ – Hưng Yên
– Điện thoại: (0221)3967065, (0221)3943550. Fax: (0221)3967065
– Website: http://www.hic.edu.vn
* Cơ sở II:
– Địa điểm: Đồng Kỵ – Từ Sơn – Bắc Ninh
– Điện thoại: (0222)3831709
– Fax: (0222)3740293

I. SỨ MẠNG CỦA NHÀ TRƯỜNG

           Trường Cao đẳng Công nghiệp Hưng Yên là cơ sở đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực có chất lượng cao thuộc các lĩnh vực kinh tế – kỹ thuật, như: Kế toán,  Kiểm toán, Tài chính – Ngân hàng, Quản trị kinh doanh, Tin học quản lý, Công nghệ thông tin, Công nghệ kỹ thuật điện, điện tử, Công nghệ may, Cơ khí và các ngành nghề khác theo quy định của pháp luật; là cơ sở nghiên cứu, triển khai khoa học – công nghệ phục vụ quản lý, sản xuất – kinh doanh của ngành Công Thương và sự phát triển kinh tế – xã hội trong bối cảnh hội nhập kinh tế toàn cầu.

II. MỤC TIÊU PHÁT TRIỂN

            Xây dựng Trường Cao đẳng Công nghiệp Hưng Yên thành một Trường trọng điểm đào tạo đa ngành, đa cấp; một cơ sở đào tạo chất lượng cao có uy tín, có thương hiệu trong ngành và xã hội. Không ngừng mở rộng quan hệ hợp tác liên kết đào tạo, nghiên cứu khoa học – công nghệ với các trường đại học, học viện và các cơ sở nghiên cứu khoa học trong và ngoài nước. Xây dựng đội ngũ cán bộ, giảng viên, viên chức đủ về số lượng, mạnh về chất lượng, đạt các tiêu chuẩn về trình độ, năng lực và phẩm chất. Tiếp tục đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, mua sắm trang thiết bị phục vụ quá trình đào tạo. Phấn đấu nâng cấp Trường trở thành trường đại học trong những năm 2025-2030.

III. KHÁI QUÁT LỊCH SỬ GẦN 60 NĂM XÂY DỰNG VÀ PHÁT TRIỂN

            Trường Cao đẳng Công nghiệp Hưng Yên (thuộc Bộ Công Thương) được Thành lập theo Quyết định số 215/QĐ – BGDĐT ngày 14 tháng 01 năm 2008 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo trên cơ sở Trường Quản lý kinh tế Công nghiệp, đánh dấu một bước ngoặt quan trọng trong lịch sử gần 60 năm xây dựng và phát triển của Nhà trường, đồng thời khẳng định kết quả của cả một quá trình phấn đấu của các thế hệ cán bộ, giáo viên, viên chức Nhà trường.

             Xét về mặt lịch sử, Trường Cao đẳng Công nghiệp Hưng Yên là một trường hợp nhất:

          Theo Quyết định 849/QĐ – TCCBĐT ngày 12 tháng 11 năm 1994 của Bộ  trưởng Bộ Công nghiệp nặng, Trường Quản lý kinh tế công nghiệp được thành lập trên cơ sở hợp nhất 3 trường kinh tế của Bộ, bao gồm:

         – Trường Cán bộ quản lý và nghiệp vụ kinh tế Địa chất ( Trường Trung học nghiệp vụ Địa chất cũ – thành lập tháng 7 năm 1965) thuộc Tổng cục Địa chất.

          – Trường Quản lý kinh tế công nghiệp Hoá chất ( thành lập tháng 4 năm 1970) thuộc Tổng cục Hoá chất.
–  Trường Trung học nghiệp vụ Tại chức ( thành lập tháng 10 năm 1967) thuộc Bộ Cơ khí luyện kim.

          Năm 2004, Bộ Công nghiệp lại có Quyết định số 1229/QĐ-TCCB ngày 28/5/2004 về việc sáp nhập Cơ sở chính của Trường Quản lý kinh tế công nghiệp (tại Hà Nội) vào Trường trung học kinh tế và chuyển trụ sở của Trường Quản lý kinh tế công nghiệp về Yên Mỹ – Hưng Yên.

            Từ năm 2004 đến nay, Trường Cao đẳng Công nghiệp Hưng Yên còn lại hai cơ sở: Cơ sở chính tại: Giai Phạm – Yên Mỹ – Hưng Yên; Cơ sở 2 tại: Đồng Kỵ – Từ Sơn -Bắc Ninh.

            Như vậy, điều mà chúng ta có thể khẳng định và tự hào là: Trường Cao đẳng công nghiệp Hưng Yên ngày nay được ra đời trong những năm tháng mà cuộc chiến tranh phá hoại của giặc Mỹ ở miền Bắc đang trong thời kỳ ác liệt nhất.

           Sự ra đời của các trường trong hoàn cảnh cả nước có chiến tranh càng khẳng định đường lối đúng đắn của Đảng ta. Xây dựng và bảo vệ Tổ quốc là hai hiệm vụ chiến lược và sự nghiệp giáo dục, đào tạo luôn luôn được coi trọng. Như quan điểm hiện nay thì giáo dục và đào tạo là quốc sách hàng đầu.

            Tuy nhiên, những năm đầu mới thành lập và trải qua một thời kỳ dài trong điều kiện kinh tế bao cấp, Nhà trường gặp rất nhiều khó khăn, cảnh sơ tán ở nhờ nhà dân, cảnh phòng học, hội trường bằng tranh, tre, nứa lá, cảnh trường sở sau mỗi trận mưa bão, sau một đợt di chuyển địa điểm … đã khắc hoạ hình ảnh Nhà trường những năm 60, 70 và đầu những năm 80 của thế kỷ trước.

            Nhưng vượt lên tất cả, chiến thắng tất cả là ý chí và nghị lực, là lòng nhiệt huyết với sự nghiệp trồng người của tập thể cán bộ, giáo viên, công nhân viên chức Nhà trường.  Nét nổi bật và điều được mọi người hết sức quý trọng và tự hào là các đồng chí lãnh đạo Nhà trường những năm đầu trường mới thành lập là những cán bộ có nhiều thành tích và công lao trong sự nghiệp Cách mạng, trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược. Có đồng chí là cán bộ tiền khởi nghĩa, lão thành cách mạng. Phẩm chất, uy tín và kinh nghiệm lãnh đạo của các đồng chí đã giúp cho các trường sớm ổn định và không ngừng phát triển.

           Hơn 55 năm xây dựng và phát triển (trong đó có 21 năm hợp nhất), Trường Cao đẳng công nghiệp Hưng Yên rất tự hào về những thành tựu đã đạt được trong công tác đào tạo, bồi dưỡng, công tác xây dựng đội ngũ cán bộ, giáo viên và xây dựng cơ sở vật chất của Nhà trường.

* Về đào tạo, bồi dưỡng :

           Trường đã đào tạo hơn 70.000 cán bộ kinh tế – kỹ thuật các ngành: Kế toán, Tài chính-Ngân hàng, Quản trị kinh doanh, Thống kê, Kế hoạch, Lao động tiền lương, Trung văn, Nga văn, Tin học, Điện tử, Điện dân dụng, May công nghiệp, Gò hàn … đáp ứng cho yêu cầu phát triển của ngành và xã hội.

          Quy mô đào tạo ngày càng được mở rộng. Khi mới hợp nhất, lưu lượng học sinh toàn trường chỉ trên 600 học sinh, đến nay, số lượng học sinh, sinh viên đã lên đến hơn 8.000.

         Trong công cuộc đổi mới đất nước, thực hiện nhiệm vụ Bộ Công nghiệp (nay là Bộ Công Thương), Trường đã mở nhiều khoá quản lý kinh tế, trang bị kiến thức về thị trường, về quản lý kinh tế, quản lý doanh nghiệp cho cán bộ lãnh đạo các đơn vị trong ngành. Phối hợp với Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Học viện Hành Chính Quốc gia  (nay là Học viện Chính trị – Hành chính quốc gia)… mở các lớp Cao cấp lý luận chính trị, Bồi dưỡng kiến thức quản lý Nhà nước… cho hơn một ngàn cán bộ của ngành công nghiệp.

             Khi còn là trường trung cấp, Trường đã liên kết  với các trường cao đẳng và đại học mở các lớp đào tạo cao đẳng chính quy và cao đẳng liên thông. Khi trở thành trường cao đẳng, Trường tiếp tục liên kết với các trường đại học, như: Đại học kinh tế quốc dân, đại học Thương Mại, đại học Bách khoa Hà Nội, Đại học Điện lực; Đại học Thái Nguyên tổ chức đào tạo liên thông từ cao đẳng lên đại học đáp ứng nhu cầu học tập của người học.

            Việc liên kết đào tạo đã mang lại những hiệu quả thiết thực: làm tăng thêm sự thu hút học sinh, sinh viên về Trường, nâng cao năng lực chuyên môn, năng lực quản lý cho đội ngũ giảng viên và cán bộ quản lý. Điều quan trọng hơn cả là nó dần từng bước nâng cao vị thế và uy tín của Nhà trường.

            Nhà trường đã tích cực đổi mới, mở rộng chương trình đào tạo theo mục tiêu đào tạo phải phù hợp với thực tế sản xuất, phù hợp với tiến bộ khoa học và công nghệ, đảm bảo tính cân đối giữa lý thuyết và thực hành của mỗi chương trình, đảm bảo tính liên thông giữa các bậc học trong đào tạo. Huy động mọi nguồn lực, động viên đội ngũ cán bộ, viên chức, giáo viên tham gia công tác nghiên cứu khoa học, công tác biên soạn, chỉnh lý giáo trình, xây dựng các mô hình học cụ, các thiết bị dạy học theo các chuyên ngành đào tạo.

            Cho đến nay, theo số liệu thống kê, Nhà trường đã đào tạo, bồi dưỡng hơn 60 chuyên ngành, cấp học khác nhau. Con số trên đủ nói lên sự cố gắng rất lớn của đội ngũ cán bộ, giáo viên, công nhân viên của Nhà trường suốt mấy chục năm qua.

          Từ mái trường thân yêu này, các thế hệ học sinh đã ra trường, mang kiến thức của mình ra phục vụ ngành và cho đất nước. Nhiều học sinh, học viên đã phát huy năng lực trí tuệ của mình, trở thành những cán bộ chủ chốt, cán bộ lãnh đạo ở các đơn vị trong và ngoài ngành.

* Về bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, giảng viên :

            Do điều kiện kinh tế đất nước, nhiệm vụ của Nhà trường có thời kỳ được mở rộng nhưng cũng có giai đoạn phải thu hẹp lại. Vì thế, biên chế cũng tăng, giảm theo. Khi hợp nhất trường (1994) được xác định là cái eo của quá trình phát triển nhà trường. Đó là những khó khăn về công tác tuyển sinh, khó khăn về kinh phí đào tạo và là kết quả của chính sách tinh giảm biên chế. Khi đó, số lượng cán bộ giáo viên, viên chức của ba trường hợp lại không bằng số lượng của một trường cũ trong những năm 80. Chính sự hợp nhất đã cho Nhà trường sức mạnh và những thành tựu của sự nghiệp công nghiệp hoá và hiện đại hoá đất nước đã làm cho Trường Cao đẳng Công  nghiệp Hưng Yên ngày càng phát triển cả về số lượng và chất lượng đội ngũ cán bộ, viên chức, giáo viên, giảng viên.

          Lãnh đạo nhà trường thường xuyên quan tâm đến công tác bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, viên chức, giáo viên, tạo điều kiện thuận lợi cho cán bộ, giáo viên đi học tập nâng cao trình độ.

         Những năm đầu thành lập, do thiếu giáo viên, một bộ phận giáo viên của Trường được lựa chọn từ những học sinh giỏi vừa ra trường. Vì yêu cầu của việc nâng cao trình độ, nâng cao chất lượng đào tạo, số giáo viên kể trên đã nhanh chóng học tập và đã tốt nghiệp các trường đại học kinh tế. Giáo viên của trường đã được bồi dưỡng kiến thức sư phạm, kiến thức giảng dạy đại học và cao đẳng, kiến thức ngoại ngữ  và tin học, thực hiện việc chuẩn hoá đội ngũ, đáp ứng yêu cầu nâng cao chất lượng dạy học.

         Tính đến nay, Trường đã cử trên 50 cán bộ lãnh đạo, giáo viên đi học tập, nghiên cứu, thực tập thuộc các lĩnh vực quản lý kinh tế, quản lý đào tạo, công tác tổ chức cán bộ, ngoại ngữ tại Liên bang Nga (Liên Xô cũ) , Ấn Độ, Cộng hoà liên bang Đức, Trung Quốc, Cộng hoà Pháp, Hàn Quốc…

         Từ năm học 1995 – 1996, Trường có chủ trương cho cán bộ, giáo viên đi học cao học. Đến năm 1998, Trường đã có những thạc sỹ đầu tiên sau 33 năm thành lập trường. Đây cũng là một bước ngoặt quan trọng, là tiền đề cho việc nâng cấp Trường vào những năm tiếp theo. Nhà trường đã liên kết với trường Đại học Bách khoa Hà Nội mở lớp thạc sỹ quản trị doanh nghiệp, thạc sỹ Công nghệ may thời trrang và Học viện Kỹ thuật quân sự mở lớp thạc sỹ quản lý khoa học và công nghệ tại trường.

          Đến nay, Trường đã có gần 200 cán bộ, giáo viên có trình độ thạc sỹ, 6 tiến sĩ và hơn 20 đồng chí khác đang theo học cao học, nghiên cứu sinh các ngành kinh tế, cơ khí, tin học, chính trị, toán học…

          Hơn 55 năm xây dựng và trư­ởng thành, trường Cao đẳng Công nghiệp Hưng Yên vẫn luôn luôn tự hào về một đội ngũ cán bộ, giáo viên có trình độ chuyên môn vững vàng, có phẩm chất chính trị tốt và đặc biệt là đạo đức, tác phong, lối sống, là những tấm gư­ơng sáng cho học sinh noi theo. Cho dù bất kỳ hoàn cảnh nào, các thầy giáo, cô giáo, cán bộ viên chức vẫn gắn bó với mái trư­ờng, vượt qua mọi khó khăn thử thách, từng bư­ớc vư­ơn lên, nâng cao chất lư­ợng giảng dạy, chất lượng công tác, tận tâm với sự nghiệp trồng ng­ười.

* Về xây dựng cơ sở vật chất và đời sống:

           Thời chiến tranh là thời kỳ gian khổ nhất, nguy hiểm nhất. Vừa chiến tranh, vừa thiên tai thì khó khăn, gian khổ còn nhân lên gấp bội, như­ng cuộc sống của cán bộ, viên chức, giáo viên, học sinh vẫn được đảm bảo. Những ai đã sống, làm việc và học tập ở Đại Thành, An Bình – Gia Lương – Bắc Ninh,  Đồng Quang Từ  Sơn – Bắc Ninh đến Đại Đồng – Văn Lâm –  Hưng Yên trước đây đều  không thể quên hình ảnh những ngôi nhà tạm, những hội trường lợp lá cọ, giấy dầu, những bữa cơm bằng bánh mỳ luộc, bo bo…Rồi, thầy trò cùng nhau làm nhà, thầy trò cùng nhau tăng gia sản xuất để ổn định đời sống. Phong trào thi đua “ Dạy  tốt học tốt”, phong trào “ Ba sẵn sàng” , phong trào thi đua xã hội chủ nghĩa… luôn dấy lên từ mái trường thân yêu này.

          Chiến tranh kết thúc. Đất nước ta chấm dứt thời kỳ kinh tế tập trung bao cấp. Công cuộc đổi mới đã từng bước làm thay đổi diện mạo của các trường, trong đó có trường Cao đẳng Công nghiệp Hưng Yên.

           Do địa điểm phân tán, lãnh đạo nhà trường quyết định đầu tư có trọng điểm, không dàn trải. Có như thế mới thực hiện được chủ trương “ trường ra trường, lớp ra lớp”, có như thế mới nâng cao được hiệu suất đầu tư. Từ năm 1995 đến năm 2005, trường tập trung đầu tư vào Cơ sở 2 (Cơ sở chính trước đây) Trường đã được UBND tỉnh Bắc Ninh cấp thêm 10.000 mđất để mở rộng và phát triển Nhà trường. Trong vòng gần 10 năm thực hiện dự án, Nhà trường đã xây dựng được nhiều công trình trọng điểm như giảng đường 3 tầng, ký túc xá, xưởng thực hành, nhà ăn…tại Cơ sở 2.

         Từ năm 2006, Trường được Uỷ ban Nhân dân tỉnh Hưng Yên cấp thêm 40.000 m2 đất và được  Bộ Công nghiệp (nay là Bộ Công Thương) phê duyệt Quy hoạch tại Cơ sở chính (Cơ sở 2 trước đây ) với tổng số mức đầu tư là trên 200 tỷ đồng. Trường đã xây dựng và đưa vào sử dụng giảng đường 5 tầng từ năm 2007.  Dự án hạ tầng kỹ thuật từ năm 2009. Dự án giai đoạn 1 đang được triển khai. Các hạng mục công trình sẽ được hoàn thiện và đưa vào sử dụng từ năm học 2010 – 2011 gồm 3 nhà xưởng thực hành 3 tầng, 3 ký túc xá từ 5 đến 6 tầng. Dự án nước sạch đã được khai thác có hiệu quả. Dự án nhà Hiệu bộ 7 tầng đư a vào hoạt động từ tháng 11 năm 2019.

          Cùng với công tác xây dựng cơ bản, Trường đã đầu tư mua sắm trang thiết bị cho dạy và học. Tính đến nay, Trường đã chi hàng chục tỷ đồng để xây dựng các phòng, xưởng thực hành thuộc hầu hết các lĩnh vực đào tạo như: Kế toán, tin học, điện tử, gò hàn, may thời trang, điện dân dụng và điện công nghiệp…

        Đời sống vật chất và tinh thần của cán bộ, viên chức, giáo viên và học sinh, sinh viên không ngừng được cải thiện.

* Về phong trào thi đua:

        Hơn 55 năm qua, cán bộ, giáo viên, viên chức và lớp lớp học sinh của Trường đã nêu cao tinh thần đoàn kết, khắc phục khó khăn, ra sức thi đua hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chính trị.

         Có biết bao ngày hội đã được tổ chức từ mái trường này: Hội giảng, hội thao, những ngày hội hành quân dã ngoại, những đêm lửa trại, hội diễn văn nghệ…Trường đã tổ chức những ngày hội tòng quân, tiễn giáo viên, viên chức, học sinh lên đường nhập ngũ với tinh thần ” Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước”. Phong trào ” Đôi vai ngàn cân, đôi chân vạn dặm” và khí thế quyết tâm, sẵn sàng chiến đấu của lực lượng tự vệ, của thanh niên nhà trường trong những năm tháng chống Mỹ cứu nước còn mãi mãi trong ký ức của mọi người.  Nhiều tấm gương trong chiến đấu, trong giảng dạy học tập và lao động đã trở thành bài học về giáo dục truyền thống, giáo dục đạo đức cho học sinh các khoá tiếp theo.

          Những ngày hội xuống đồng giúp dân gặt lúa, đắp đường, đắp đê, đào mương, cuốc ruộng đã phản ánh khí thế thi đua, cuộc sống sôi động,  đầy tình nghĩa của nhà trường.

           Nét nổi bật là phong trào thi đua ” Hai tốt” , thi đua Xã hội chủ nghĩa đã thực sự trở thành phong trào của quần chúng, ngày càng phát triển cả về bề rộng lẫn chiều sâu. Đặc biệt là từ năm học 1977 – 1978 đến nay, việc tổ chức, chỉ đạo, xây dựng chỉ tiêu, đăng ký và bình xét thi đua đã được coi trọng hơn.

         Kết quả tổng hợp của phong trào thi đua trong quá trình xây dựng và phát triển của Trường là những danh hiệu, những phần thưởng cao quý mà Đảng và Nhà nước, các cấp các ngành đã trao tặng cho các cá nhân và tập thể, bao gồm:

– Năm 2014, Nhà trường được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Độc lập Hạng Ba;
– Năm 2010, Nhà trường được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Lao động Hạng Nhất;
– 05 đồng chí được Nhà  nước tặng thưởng Huân chương Độc lập Hạng Ba.
– Nhiều cán bộ, giáo viên của trường được trao tặng Huy hiệu 30 năm, 40 năm và 50 năm tuổi Đảng. Đặc biệt, đồng chí Nguyễn Trừng Thanh – Hiệu trưởng đầu tiên của trường đã được trao tặng Huy hiệu 70 năm tuổi Đảng vào tháng 5/2010.
– 28 cán bộ, giáo viên được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen.
– 09 giáo viên được Nhà nước phong tặng danh hiệu Nhà giáo ưu tú.
– Trên 100 giáo viên  đạt danh hiệu Giáo viên dạy giỏi cấp tỉnh, cấp bộ.
– 25 giáo viên đạt danh hiệu Giáo viên dạy giỏi cấp toàn quốc.

 – Nhiều cá nhân và tập thể được Bộ trưởng Bộ Công Thương tặng Bằng khen. Nhà trường được Tổng cục Địa chất, Tổng cục Hoá chất, Bộ Công Thương, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Uỷ ban Nhân dân các tỉnh Hưng Yên và Bắc Ninh tặng nhiều Bằng khen vì đã có thành tích xuất sắc trong công tác đào tạo, bồi dưỡng và các phong trào phòng chống tệ nạn xã hội, phong trào quần chúng bảo vệ an ninh Tổ quốc, phong trào dân quân tự vệ…

  – Đảng bộ nhà trường luôn được công nhận là Đảng bộ hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.; các tổ chức quần chúng luôn thành xuất sắc nhiệm vụ. Công đoàn trường được Công đoàn Công Thương Việt Nam tặng cờ và Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh được Tỉnh đoàn Hưng Yên, Tỉnh đoàn Bắc Ninh và Trung ương Đoàn tặng Bằng khen.

* Định hướng phát triển những năm tới:

           1- Phát huy truyền thống và thế mạnh của Trường, không ngừng phát triển các chương trình đào tạo ở tất cả các trình độ. Tích cực đổi mới mục tiêu, xây dựng chương trình đào tạo. Áp dụng hài hòa phương pháp đào tạo truyền thống và hiện đại, tạo sự sinh động, hấp dẫn và không khí dân chủ trong quá trình đào tạo. Dần từng bước thực hiện đào tạo theo hình thức tín chỉ, đề cao vai trò, năng lực tổ chức, hướng dẫn của người thầy và tính chủ động, tích cực và ý thức trách nhiệm của người học, không ngừng nâng cao chất lượng đào tạo.

          2- Tiếp tục đổi mới phương pháp và quy trình tuyển sinh. Thực hiện đúng Quy chế, hoàn thành kế hoạch tuyển sinh. Không ngừng mở rộng quy mô, ngành nghề đào tạo, đảm bảo phù hợp với các điều kiện về đội ngũ giảng viên, cơ sở vật chất của nhà trường. Phấn đấu quy mô đào tạo năm sau tăng hơn năm trước từ 10 – 15%.

           3- Xây dựng đội ngũ cán bộ, giảng viên, viên chức tâm huyết với nghề, giỏi chuyên môn, tinh thông nghiệp vụ và có phẩm chất tốt. Cơ cấu đội ngũ cán bộ, giáo viên hợp lý,  Có chính sách thu hút, tuyển chọn, đào tạo, bồi dưỡng toàn diện về chuyên môn nghiệp vụ, phương pháp sư phạm, ngoại ngữ, tin học. Tạo những điều kiện thuận lợi nhất để cán bộ, giảng viên đi học cao học và nghiên cứu sinh. Phấn đấu đến năm 2030 nhà trường có trên 95% giảng viên trình độ thạc sỹ, 10% giảng viên trình độ tiến sỹ. Đẩy mạnh công tác nghiên cứu khoa học, coi nghiên cứu khoa học là nhân tố quyết định nâng cao chất lượng đào tạo.

           4- Đẩy mạnh phong trào thi đua “Dạy tốt – Học tốt”, hàng năm có từ  35 đến 50 giáo viên dạy giỏi cấp trường và có thêm nhiều giáo viên dạy giỏi cấp tỉnh và cấp toàn quốc. Tăng cường công tác rèn luyện đạo đức cho HSSV, thực hiện  tốt cuộc vận động “Học tập  và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” trong Nhà trường.

           5- Huy động mọi nguồn lực đầu tư tăng cường cơ sở vật chất, mua sắm trang thiết bị  phục vụ đào tạo, nghiên cứu khoa học. Không ngừng nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của cán bộ, viên chức và HSSV. Đảm bảo tốt công tác an ninh, trật tự trong Nhà trường và địa phương.